Liên kết quan hệ Mạc - Nguyễn Mạc Thị Giai

Mạc thị cùng với người chú của bà là Thống binh Mạc Cảnh Huống được coi là những người có công lớn nhất trong việc tạo dựng ảnh hưởng của dòng họ Mạc trên đất của các Chúa Nguyễn nhiều đời sau. Bởi vậy, con cháu trong hoàng tộc nhà Mạc chạy nạn vào phương Nam phần nào vẫn có sự đảm bảo được an toàn sinh sống trên vùng đất mới sau khi Nhà Mạc bị nhà Lê-Trịnh đánh bại mà về danh nghĩa, trước khi Trịnh - Nguyễn phân tranh, hai họ Trịnh và Nguyễn đều dương cao khẩu hiệu phù Lê diệt Mạc.

Sử triều Nguyễn cũng dành những lời ca ngợi bà: "Hậu tính thông mẫn dịu dàng, lời nói cử chỉ đều có khuôn phép, Chúa rất yêu thương".

Đại Nam liệt truyện tiền biên có những dòng ghi chép về bà:..."Bà họ Nguyễn (cẩn án, xét trước là họ Mạc sau đổi họ Nguyễn). Tiên tổ là người huyện Nghi Dương tỉnh Hải Dương. Bà là trưởng nữ Khiêm Vương Mạc Kính Điển. Khi Kính Điển bị bại vong, bà theo chú là Cảnh Huống đem gia quyến vào Nam, ẩn ở chùa Lam Sơn, nhân đó nhập tịch ở Quảng Trị. Nguyễn Ngọc Dương vợ Cảnh Huống, là dì ruột Hy Tông hoàng đế (Nguyễn Phúc Nguyên), nhân tiến bà vào hầu chúa ở nơi tiềm để. Tính bà minh mẫn thuần thục, nói và làm đều đúng mực thước, bà được chúa yêu và quý trọng. Sinh được 5 trai gồm con trưởng là Kỳ, làm Hữu phủ chương phủ sự, trấn thủ Quảng Nam - tặng Thiếu bảo Khánh quận công, con thứ hai tức là Thần Tông hoàng đế, con thứ ba là Trung, con thứ tư là An, con thứ năm là Nghĩa chết sớm. Ba con gái gồm trưởng là Ngọc Liên, thứ là Ngọc Vạn, út là Ngọc Khoa."

Em gái bà là Mạc Thị Lâu và em họ bà là Mạc Cảnh Vinh, con trai trưởng của Thống binh Mạc Cảnh Huống, cũng được mang họ nhà Chúa và trở thành Nguyễn Thị Ngọc Lâu và Nguyễn Phúc Vinh. Em gái của bà về sau lập gia thất với Quốc sư Võ Qưới Công là người làm việc tại phủ Chúa, thầy dạy các Thế tử của chúa Nguyễn.

Xuất thân từ chốn hoàng cung triều Mạc, bà còn là người am hiểu về nghệ thuật ẩm thực cung đình nên nhiều kiến thức đó được bà đem dạy lại cho người dân vùng Thuận Hóa. Vì vậy sau khi bà mất, dân chúng nhiều nơi ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ tôn bà là Bà tổ bếp hay Bà tổ của nghề nấu ăn đất phương Nam để ghi nhớ công ơn của bà trong việc khai mở bếp núc, nấu ăn của người Việt trên vùng đất mới khai phá.